01-04-2016
Ngày cá tháng Tư!
Cũng vô tình, đành phải nói lời tạm biệt với 2 người, chẳng biết có “cá tháng tư” không đây?!. Quan niệm của tôi là vậy: Đoạn đường nào rồi cũng đi đến cuối, đời người cũng vậy. Trong hành trình của đời người, có những người ta gặp, ta biết, ta quen, có thể là mến thương, có thể là nhớ nhung, và cùng nhau trên một đoạn dài, ngắn nào đó. Cảm thấy rằng với con người ấy, mối quan hệ ấy mà nó chông chênh quá, đã thoáng chút muộn phiền thì tốt hơn hết là nói lời tạm biệt. Tạm biệt để còn nhớ về những kỷ niệm đẹp…
Nhớ đêm này, 15 năm trước, tôi vẫn lang thang ở Đà Lạt.
Em gọi điện báo: "Anh ơi! Trịnh mất rồi!". Cả hai thút thít qua điện thoại, chẳng nói được gì. Cúp máy rồi vẫn ngẫn ngơ khóc rấm rứt. Đội dù, đi dưới mưa bay bay của trời Đà Lạt, nghe văng vẳng bài “Diễm xưa”, mà nước mắt cứ tuôn. Là ngày trẻ tôi ủy mị và một chút yếu đuối. Rồi cả đêm ngồi trùm chăn, trong cái lạnh, tua tới tua lui cái máy băng Panasonic(hồi sinh viên dùng để học Anh văn “trim-lai”, nghe nhão cả băng cát-xét Nhạc Trịnh. Có lẽ từ đó, tôi cảm về Trịnh hơn, từng câu từng chữ trau chuốt đến xót xa, những nỗi cùng cực của phận con người, như phận cát bụi…
(nguồn nhạc: mp3.zing.vn)
Chúng tôi gọi "Trịnh", nghe cứ như bạn, Trịnh-nhạc Trịnh gần gũi và thân thương, đau đáu lòng như những tháng ngày sinh viên đầy nông nổi và sóng gió và nhiều nước mắt của chúng tôi. Những năm tháng đầu tiên trước cánh cửa cuộc đời, trước những giông tố, thăng trầm của chính cuộc đời mình, những người trẻ mang trong lòng nhiều tâm sự như tôi, thường lấy nhạc Trịnh như một lời chia sẻ, cho nhẹ bớt gánh đời. Tôi yêu nhạc Trịnh, em yêu tôi nên em cũng yêu nhạc Trịnh, mặc dù tôi biết em chẳng cảm một tý gì về nhạc và cái triết lý của Trịnh. Cũng là ngày còn trẻ, mọi thứ quá chông chênh, cầm nắm một thứ, biết là không hợp với mình mà cũng cố. Cố đến dại khờ như trẻ con, cố để chứng tỏ một điều gì đó rằng: Ta đã trưởng thành!
Thế nhưng, mối tình sinh viên, trở nên quá yêu ớt và mong manh trước sóng gió của cuộc đời, của mưa sinh. Rồi cũng lặng lẽ, như 2 hòn đá, tự lăn về hai phía của cuộc đời. Ngày Trịnh ra đi, tôi và em chỉ còn xem nhau như 2 người bạn, hai người ở 2 thành phố khác nhau, suy tư và định hướng khác nhau,…
Quãng thời gian 2000-2002, một mình tôi ở Đà Lạt, đúng nghĩa như một anh chàng lãng tử, phong trần và bụi bặm. Tôi nhớ nhất là những buổi chiều, chạy xe qua ngọn đồi bên khu nhà thờ Thánh mẫu(ngọn đồi này nhìn được một góc Đà Lạt) để học Ghi-ta. “Thầy” dạy đàn lại là một cô bé học sau 2 khóa, bé tí hon, con gái mà hút thuốc lá phì phèo, nhưng đàn cực hay. Kéo nhau ra đồi, bên ngoài bãi cỏ nhà thờ, tôi cứ bắt đàn và hát “Cát bụi”, “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Diễm xưa”. Cứ thế, nên đến khi “trò” về Sài Gòn lăn lộn, đàn Ghi-ta cũng chỉ mới lỏm bỏm. Thành ra, từ xưa đến giờ mới chỉ có một người duy nhất hân hạnh được tôi tự đàn và hát tặng, cũng duy nhất một bài.
Sau này, thỉnh thoảng nghe nhạc Trịnh, tôi lại chỉ thích nghe nhạc hòa tấu, không lời. Có vẻ sâu lắng và bớt khắc khoải hơn, chắc cũng bởi cuộc mưu sinh đã quá khổ khiến con người chai lì rồi. Phần nữa, ca sĩ bây giờ hát nhạc của Trịnh mà toàn hú, hí, hé, với ư, ử… nghe cảm không nổi. Nhạc Trịnh hay ở chổ vừa là nhạc, vừa là tự sự, đúng nghĩa đau đớn với cuộc đời. Nghe nhạc Trịnh, tôi cứ thầm nghĩ đến một con người cô đơn từ sâu thẳm, cô đơn, cô độc không thể nói nên bằng lời. Đồng cảm là vậy! ít ra với Trịnh, khi không còn một nguồn an ủi nào nữa, người ta còn nhớ đến nhạc của Trịnh. Giống như những khi tôi u uất, và đã rất nhiều lần, nhiều ngày, sáng ra trước khi đi làm, lại nghe “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”.
Tôi vẫn yêu nhạc Trịnh, yêu cái triết lý trau chuốt trong từng câu từng chữ. Em ngày xưa, giả vờ yêu nhạc Trịnh, rồi bây giờ cũng không còn là bạn nữa, chẳng biết còn thi thoảng nghe Trịnh nữa không nhỉ?!
“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”
Thế nhưng, con người vẫn quá hờ hững với nhau, và lướt qua đời nhau rồi xa ngái, vô tình. Đã rất nhiều người tôi vẫn chưa kịp tặng họ bài hát “Như một lời chia tay”.
***
(còn tiếp)
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment